Trí thông minh cảm xúc hay chỉ số EQ (Emotional Quotient) đề cập đến khả năng nhận biết, thấu hiểu và quản lý cảm xúc của con người. Đây là một kỹ năng giao tiếp quan trọng trong công việc lẫn cuộc sống của chúng ta.
Thuật ngữ này được đưa ra bởi các nhà tâm lý học vào những năm 90 và nhanh chóng trở thành nhân tố thiết yếu để đánh giá một con người trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục và văn hóa. Vậy trí thông minh cảm xúc là gì và làm thế nào để cải thiện chỉ số EQ, cùng Salejob tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Chỉ số EQ là gì ?
Theo nhà tâm lý học Peter Salovey và John D. Mavey, trí tuệ cảm xúc (hay chỉ số EQ) được định nghĩa là khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của bản thân cũng như mọi người xung quanh. Khả năng này giúp bạn hiểu được cảm xúc của mình trong việc đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề và giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.
Có 4 cấp độ khác nhau của trí thông minh cảm xúc là:
- nhận thức cảm xúc,
- khả năng suy luận bằng cảm xúc,
- khả năng hiểu cảm xúc,
- khả năng quản lý cảm xúc.
Trong quá khứ, cảm xúc và trí thông minh thường được xem là có vai trò đối lập nhau. Nhưng trong vài thập niên gần đây, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng ngành tâm lý học cảm xúc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nhận thức của con người và người có trí thông minh cảm xúc thường dễ đạt được thành công trong cuộc sống.
Lĩnh vực này nghiên cứu vệ việc nhận thức và cảm xúc ảnh hưởng như nào đến cách con người suy nghĩ. Chẳng hạn, chúng ta sẽ biết được tại sao con người lại hành xử và đưa ra những quyết định như vậy thông qua việc xem xét các khía cạnh cảm xúc và tâm trạng như vui vẻ, giận dữ, buồn bã và sợ hãi.
Trí tuệ cảm xúc – Phẩm chất tạo nên thành công
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trí thông minh cảm xúc không chỉ ảnh hưởng đến cách nhân viên tương tác với nhau tại nơi làm việc mà còn có vai trò giúp cho mọi người giải tỏa căng thẳng và áp lực cũng như tăng hiệu quả công việc. Những nhân viên có chỉ số EQ cao thường có kỹ năng mềm, khả năng lãnh đạo và quản lý cảm xúc cao hơn so với người khác. Rõ ràng, ngoài trí thông minh truyền thống, trí thông minh cảm xúc cũng là một trong những phẩm chất đối với một nhà lãnh đạo.
Nhưng trí tuệ cảm xúc không chỉ dành riêng cho các nhà lãnh đạo, đây còn là yếu tố quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi cá nhân. Theo một khảo sát với các nhà tuyển dụng, 75% phản hồi rằng họ đánh giá cao chỉ số cảm xúc hơn chỉ số thông minh của nhân viên. Vậy tại sao trí tuệ cảm xúc lại được xem là một kỹ năng thiết yếu trong công việc?
Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa những người có chỉ số EQ cao và thấp:
Chỉ số EQ cao
- Đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn.
- Chịu được áp lực cao.
- Giải quyết mâu thuẫn tốt.
- Có sự đồng cảm sâu sắc.
- Biết cách lắng nghe và phản hồi với những lời phê bình mang tính xây dựng.
Chỉ số EQ thấp
- Cho rằng mình là nạn nhân và không nhận lỗi cho sai lầm của bản thân.
- Hung hăng và bị động trong cách giao tiếp.
- Từ chối làm việc nhóm.
- Hay chỉ trích người khác và khó chấp nhận được những lời phê bình hay góp ý.
Trí tuệ cảm xúc được công nhận rộng rãi như một kỹ năng có giá trị giúp chúng ta cải thiện năng lực giao tiếp, quản trị, giải quyết vấn đề và các mối quan hệ ở công sở. Đây cũng là kỹ năng mà con người có thể cải thiện thông qua đào tạo và tập luyện.
Làm thế nào để cải thiện chỉ số EQ ?
Ngoài những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao cảm xúc như giáo dục và tính cách, thông qua đào tạo và luyện tập, bạn cũng có thể cải thiện chỉ số EQ của mình.
Nhận thức bản thân
Một trong những bước đầu tiên để cải thiện trí tuệ cảm xúc ở nơi làm việc là chú ý đến cảm xúc của chính bạn. Sư tự nhận thức liên quan đến việc nhận biết các khía cạnh khác biệt của bản thân, bao gồm cảm xúc và cảm giác của bạn. Thông qua đó, bạn hiểu được điều gì dẫn đến những cảm giác hiện tại.
- Để ý đến cảm giác của bản thân: Những cảm xúc trên ảnh hưởng đến cách bạn phản ứng như thế nào? Liệu rằng những điều bạn cảm nhận có tác động đến việc bạn đưa ra quyết định hoặc cách bạn tương tác với mọi người? Càng dành thời gian để nghiền ngẫm về những câu hỏi trên, bạn càng nhận thức được cảm xúc riêng của mình và vai trò của nó trong cuộc sống của bạn.
- Điểm mạnh và điểm yếu trong cảm xúc của bạn: Bạn thường xuyên cảm thấy mất kiên nhẫn và tức giận? Bạn có thể khắc phục những cảm xúc trên như thế nào? Nhận thức và thừa nhận điểm yếu trong cảm xúc cho phép bạn tìm ra giải pháp thích hợp để cải thiện những thiếu sót trên.
- Những cảm xúc này chỉ là thoáng qua: Trong trường hợp có mâu thuẫn với đồng nghiệp hoặc bị sếp giao cho những nhiệm vụ khó nhằn, trước khi phản ứng, bạn hãy tư nhắc nhở bản thân rằng những cảm xúc này chỉ là tạm thời. Việc đưa ra những quyết định tồi tệ dựa trên cảm xúc hiện thời có thể sẽ hủy hoại những mục tiệc dài hạn và nghiêm trọng hơn là sự nghiệp của bạn.
Kiểm soát bản thân
Sau khi luyện tập được khả năng nhận thức cảm xúc cá nhân, bước thứ hai bạn cần cải thiện là kiểm soát cảm xúc của bản thân. Những người có chỉ số EQ cao thường dễ thích nghi với các tình huống khác nhau. Thay vì phản ứng nhất thời với các sự kiện, họ sẽ kiên nhẫn và tìm cách thích hợp để bày tỏ cảm xúc của mình. Điều này giúp họ bảo vệ bản thân và tránh làm tổn thương người khác.
Bạn có thể thử một số cách sau:
- Tìm cách giải tỏa căng thẳng công việc. Hãy bắt đầu từ những thói quen thú vị ngoài giờ làm việc. Tập thể thao thường xuyên cũng là một thói quen lành mạnh giúp xóa bỏ áp lực.
- Giữ bình tĩnh. Chấp nhận sự thật rằng bạn không thể kiểm soát mọi thứ và đảm bảo rằng bạn vẫn tìm cách để vấn đề không trở nên nghiêm trọng hơn.
- Suy nghĩ thận trọng trước khi đưa ra quyết định. Cảm xúc có thể lấn áp bạn tại một số thời điểm, nhưng bạn có thể đưa ra những lựa chọn lý trí và hợp lý nếu dành thời gian để xem xét các khả năng xảy ra.
Cải thiện kỹ năng xã hội
Những người có kỹ năng xã hội tốt và phản ứng với tình huống một cách nhanh nhạy thường có khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác. Bên cạnh đó, kỹ năng xã hội chính là một trong những yếu tố giúp bạn giao tiếp và thích nghi với văn hóa của công ty tốt hơn.
Lắng nghe người khác: Điều này không có nghĩa là bạn chỉ lắng nghe một cách thụ động những điều người khác nói. Lắng nghe chủ động bao gồm việc thể hiện sự chú ý, tương tác và đóng góp ý kiến. Bất kể bạn ở vị trí nào, việc lắng nghe chủ động đều cho thấy bạn là một người đam mê và sẵn sàng phối hợp với người khác để cải thiện năng suất của cả nhóm.
Chú ý đến giao tiếp phi ngôn ngữ: Thay vì sử dụng lời nói, mọi người thường có xu hướng biểu đạt những điều họ suy nghĩ bằng ngôn ngữ cơ thể. Khi chú ý đến ngôn ngữ này, bạn sẽ nhanh nhạy hơn trong việc thấu hiểu và nắm bắt mong muốn của đối phương.
Rèn luyện kỹ năng thuyết phục: Hãy nâng cao sự ảnh hưởng của bản thân ở nơi làm việc và thuyết phục mọi người lắng nghe ý tưởng của bạn.
Tránh xa các rắc rối tại công sở: Mặc dù cố hết sức nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh xa những chuyện phiền phức tại nơi làm việc. Hãy tập trung vào những điều người khác đang muốn bày tỏ, tìm cách giải quyết vấn đề và giảm thiểu căng thẳng giữa các bên.
Trở nên đồng cảm hơn
Những người có trí tuệ cảm xúc tốt hay chỉ số EQ cao thường dễ dàng thấu hiểu những điều người khác đang trải qua. Đồng cảm không chỉ là việc nhận ra điều người khác đang cảm nhận mà còn liên quan đến cách mà bạn phản ứng với những cảm xúc này. Tại công sở, khả năng đồng cảm cho phép bạn hiểu được động cơ của mọi người xung quanh. Ngoài ra, khả năng này còn giúp bạn nhận ra ai là người “nắm đằng chuôi” và và cách mà động cơ ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc cũng như sự kết nối trong các mối quan hệ.
Nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm của người khác: Thay vì để sự bất đồng gây ra mâu thuẫn, bạn hãy dành thời gian nhìn nhận tình huống từ khía cạnh của người khác. Đây chính là khởi đầu tốt để tìm ra điểm chung giữa hai bên.
Chú ý đến cách bạn đối xử với mọi người: Bạn có để họ bày tỏ quan điểm của mình và sẵn sàng chấp nhận điều đó kể cả khi bạn bất đồng quan điểm với họ? Hãy để người khác biết rằng công sức của họ bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng, khi đó mọi chuyện sẽ dễ dàng thỏa hiệp hơn bạn nghĩ đấy.
Tạo động lực cho bản thân
Một yếu tố quan trọng khác để nâng cao chỉ số EQ là động lực nội tại. Những người có chỉ số EQ cao thường làm việc với động lực mạnh mẽ để đạt được những điều họ muốn. Thay vì tìm kiếm phần thưởng từ bên ngoài, họ tập trung vào những thứ khiến mình cảm thấy thỏa mãn và đam mê.
Tiền bạc, địa vị và danh tiếng đều là những điều tuyệt vời, nhưng những người thực sự thành công thì lại không xem đó là động lực để làm việc. Họ cam kết với công việc và thích đối đầu với những thử thách mới mẻ. Họ yêu thích những điều mình làm và năng lượng tích cực của họ luôn lan tỏa đến mọi người.
Tập trung vào điều bạn thích: Cho dù bạn cảm thấy thế nào về công việc của mình, luôn có những khía cạnh tích cực và tiêu cực về điều bạn đang làm. Để có thể tạo động lực cho bản thân, hãy xác định điều bạn thích ở công việc của mình và tập trung vào khía cạnh đó để khiến bạn vui vẻ mỗi ngày.
Đối diện với mọi việc bằng thái độ tích cực: Bạn có thể thấy rằng những người có thái độ lạc quan trong công việc chính là những người tạo động lực và truyền cảm hứng cho người khác. Đối diện với mọi vấn đề trong cuộc sống lẫn công việc bằng sự lạc quan sẽ khiến bạn cảm thấy tích cực và yêu công việc của mình hơn.
Theo ELLE