Hiệu ứng đám đông là một khái niệm vô cùng phổ biến trong xã hội loài người nhằm áp chỉ việc suy nghĩ và hành động của một cá nhân chịu sự ảnh hưởng bởi những người khác.
Sức mạnh liên kết mạnh mẽ của hiệu ứng này có thể khích lệ con người cùng thực hiện những hành vi cụ thể. Nếu hiệu ứng này rơi vào tiêu cực, nó sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu cho xã hội và con người.
Trong bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu thuật ngữ hiệu ứng đám đông là gì và cách sử dụng hiện tượng tâm lý đám đông này hiệu quả.
Hiệu ứng đám đông là gì?
Hiệu ứng đám đông hay còn gọi là hiệu ứng bầy đàn là một khái niệm thuộc phạm trù tâm lý để ám chỉ một hiện tượng xã hội mô tả sự ảnh hưởng của một người hoặc nhóm người lên hành vi của nhau trong tình huống nhất định. Hiện tượng này thường nổi bật trong các tình huống xã hội không rõ ràng khi mà con người không thể xác định được cơ chế hành vi phù hợp và bị thúc đẩy bởi hành vi của người khác. Họ có thể bị lôi cuốn bởi cảm xúc và tình hình chung để từ đó dẫn đến hành vi theo đám đông.
Những tình huống thường gặp có liên quan đến hiệu ứng đám đông này có thể thấy đó là các cuộc biểu tình, sự kiện liên quan đến thể thao, tham họa, tai nạn giao thông hoặc một số tình huống khẩn cấp khác. Khi xảy ra hiệu ứng đám đông, các hành vi của một nhóm người thường trở nên khó kiểm soát và gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với hoạt động kinh doanh thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng tâm lý này của đám đông để có thể thu hút được một lượng lớn các đối tượng khách hàng tiềm năng thông qua những ý kiến, đánh giá của các khách hàng trước.
Tác động của hiệu ứng đám đông trong cuộc sống
Hiệu ứng đám đông có thể gây ra những tác động tích cực cũng như tiêu cực lên một cá nhân hoặc một nhóm người tùy thuộc theo các tình huống cụ thể. Trong đó:
Tác động tích cực
- Hiệu ứng đám đông mang đến một sức mạnh không tưởng cho một phong trào hoặc cộng đồng nào đó mà các thành viên trong đó có một tâm trí đều hướng về mục tiêu chung của tổ chức.
- Tạo ra sự đoàn kết và phục vụ hướng đến mục tiêu cộng đồng khi mọi người cùng nhau làm việc để giải quyết một vấn đề cụ thể. Ví dụ như giải quyết hậu quả từ một vụ thảm họa thiên nhiên: Sóng thần, cháy rừng, sạt lở đất…
Tác động tiêu cực
Bên cạnh những tác động tích cực thì hiệu ứng số đông này mang đến những điểm tiêu cực như sau:
- Dẫn đến những hành vi bạo động, kém đạo đức khi mà các thành viên trong nhóm người này bị mất kiểm soát hoặc có những hành vi không phù hợp, trái đạo đức.
- Tạo ra sự tăng trưởng bất thường cho các hệ thống tài chính dẫn đến rủi ro về tài chính khi mà các nhà đầu tư bị cuốn theo tâm lý số đông và quên đi yếu tố cơ bản của thị trường.
Tác động của hiệu ứng đám đông trong kinh doanh
Dù xét theo chiều tốt hay xấu thì đám đông luôn tỏ ra “lợi hại” trong kinh doanh:
Tác động tích cực
- Những người buôn bán nhỏ lẻ sẽ áp dụng hiệu ứng này như một “chiêu trò”. Họ sẽ lợi dụng các “chim mồi” nói cười huyên náo bằng cách mặc cả để có thể thu hút được sự chú ý của các đối tượng khách hàng xung quanh.
- Các thương hiệu có thể dễ dàng thu hút cho mình một lượng khách hàng lớn bằng cách tận dụng những comment, lượt like, share và tâm lý tin tưởng của họ vào lượng người tham gia bài viết.
- Dựa vào đánh giá tích cực của đám đông cũng là một chiến dịch Marketing hiệu quả và thông minh mà các nhãn hàng, doanh nghiệp lớn có thể thu hút được lượng lớn người dùng tiềm năng.
- Hiệu ứng đám đông dẫn đến sự phát triển của sản phẩm, dịch vụ một cách nhanh chóng khi khách hàng cảm thấy có nhiều người mua hay ưa chuộng. Điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng doanh số bán hàng cho doanh nghiệp.
Hiệu ứng tâm lý đám đông trong Marketing
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị đã quá quen thuộc với việc vận dụng hiệu ứng đám đông trong công việc của mình để đạt được những hiệu quả nhất định về doanh số:
- Các nhà hàng, quán ăn khi mới bắt đầu khai trương thường có xu hướng mời bạn bè, người thân,.. thậm chí là còn thuê thêm người đến ngồi vào quán để tạo hiệu ứng đông đúc cho quán.
- Khách hàng thường nảy sinh tâm lý tin tưởng khi đi qua hoặc nhìn thấy những quán ăn, quán cafe có đông người. Điều này thúc đẩy mong muốn được trải nghiệm món ăn của quán.
Ngoài ra, việc áp dụng hiệu ứng này vào tiếp thị trong thời đại quảng cáo số đã vô tình tạo ra một khái niệm mới là Seeder. Đây là những đối tượng “chim mồi” online có nhiệm vụ để lại những bình luận, tương tác với bài viết được hiển thị trên website hay các trang mạng xã hội để thuyết phục người dùng mua sản phẩm, dịch vụ được quảng bá tại bài viết.
Nguyên nhân gây ra hiệu ứng đám đông trong kinh doanh
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của hiệu ứng đám đông. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này:
Tâm lý kỳ vọng
Khi một sản phẩm hay dịch vụ mới nào đó được nhà sản xuất giới thiệu đến với người tiêu dùng thì thường mọi người sẽ có tâm lý đặt kỳ vọng cao khi ra mắt. Điều này kéo theo sự kích thích tính tò mò và tâm lý mong đợi của người tiêu dùng khiến họ trở nên quá khích khi mà sản phẩm được tung ra. Mọi người có thể thấy được điều này rất rõ ràng trong cuộc sống với sản phẩm Iphone của Apple. Mỗi khi có phiên bản mới được giới thiệu sẽ khéo theo rất nhiều sự mong đợi từ những khách hàng trung thành với thương hiệu này.
Tính hiếm có
Đối với những sản phẩm hay dịch vụ thường không có sẵn trên thị trường sẽ luôn tạo ra sự tác động mạnh mẽ đối với khách hàng từ đó làm tăng giá trị của sản phẩm hay dịch vụ đó trên thị trường.
Tính xã hội
Một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng đám đông phải kể đến đó là việc các sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện truyền thông từ đó kéo theo sự lan truyền nhanh chóng từ đó kích thích sự quan tâm của người dùng.
Cách sử dụng hiệu ứng đám đông hiệu quả
Tính tích cực của hiệu ứng đám đông có thể mang lại cho doanh nghiệp những lợi ích lớn về hiệu quả doanh thu nhưng tính tiêu cực của nó sẽ khiến các doanh nghiệp điêu đứng. Chính vì vậy, bạn cần nắm rõ được cách sử dụng hiệu ứng hiệu quả dưới đây:
Sử dụng kênh truyền thông uy tín
Với sự uy tín hàng đầu của các tờ báo nổi tiếng như New York Times, Wall Street Journal, BBC, The Economist,… chất lượng thương hiệu của doanh nghiệp từ đó cũng được nâng cao. Điều này giúp khách hàng có được cái nhìn tốt hơn về thương hiệu của bạn.
Tuy nhiên nếu bạn sử dụng các kênh truyền thông uy tín này một cách hời hợt thì hình ảnh thương hiệu sẽ dễ bị lãng quên. Vì vậy, các bài viết trên các kênh truyền thông này cần phải phân tích chuyên sâu, tạo cảm xúc cho người đọc, dẫn dắt họ mua hàng để hiệu ứng thực sự được lan toả.
Sử dụng lời phản hồi khen chê của khách hàng
Sử dụng lời phản hồi khen chê của khách hàng tuy không phải là một chiêu thức mới trong triển khai hiệu ứng đám đông nhưng những ưu điểm của nó chưa được tận dụng một cách triệt để. Những đánh giá tích cực của khách hàng sẽ mở ra cơ hội lan truyền thông tin quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Những đánh giá tiêu cực có thể được sử dụng để làm bàn đạp giúp doanh nghiệp có thể thay đổi cách nhìn của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã khôn khéo trước những lùm xùm, ý kiến chê bai của khách hàng bằng cách xin lỗi hoặc đền bù. Điều này giúp nhãn hàng trở nên nổi tiếng hơn và được lòng dư luận hơn.
Sử dụng mạng xã hội
Không ai có thể phủ định được sức mạnh lan truyền của truyền thông mạng xã hội trong các chiến dịch Marketing. Việc kết nối website với các trang mạng xã hội không chỉ giúp doanh nghiệp có thể update ý kiến của khách hàng nhanh chóng mà còn tạo nên cầu nối giữa thương hiệu và khách hàng.
Khi khách hàng đã quen thuộc với sự hiện diện của thương hiệu, họ sẽ đăng tải các bài viết đánh giá sản phẩm và thương hiệu. Điều này sẽ giúp nhãn hàng của doanh nghiệp được quảng cáo một cách tự nhiên mà không bị gắn mác quảng bá quá lố.
Có thể thấy hiệu ứng đám đông vừa mang lại những tác động tích cực cho công việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và cá nhân nhưng đồng thời nó cũng có thể đẩy họ vào những tình huống tiêu cực. Chính vì vậy, hướng đến những hành động tích cực thôi là chưa đủ, bạn cần phải biết cách sử dụng hiệu ứng này sao cho phù hợp nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất.
Theo BizFly