Bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy được: tuyển bạn chính là một hoạt động đầu tư sinh lãi cho công ty của họ.
Công cụ quan trọng đầu tiên để chinh phục nhà tuyển dụng chính là hồ sơ xin việc. Nếu không biết cách đầu tư một bộ hồ sơ xin việc chuyên nghiệp để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, bạn khó lòng có được công việc mong muốn.
Nội dung hồ sơ xin việc cần có những điều quan trọng gì?
Hồ sơ xin việc phải thể hiện chính xác các giá trị bản thân của bạn. Nói cách khác, đó phải là tấm gương phản chiếu con người bạn.
Ngoài những hồ sơ thông thường phải có như CV, lý lịch cá nhân, bảng điểm, bằng cấp liên quan, thư giới thiệu, giấy khám sức khỏe, bản sao CCCD, hộ khẩu…, bạn còn phải làm rõ những điều này trong hồ sơ của mình: Bạn độc đáo ở đâu, khác biệt chỗ nào và lý do công ty phải tuyển bạn là gì? Nghĩa là, bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy được: tuyển bạn chính là một hoạt động đầu tư sinh lãi cho công ty của họ.
Bạn không nên đơn thuần chỉ liệt kê các công việc mình đã và đang làm, hãy cho thấy giá trị đóng góp của bạn qua từng công việc đó, với những dẫn chứng cụ thể. Không nên viết chung chung như: “Tôi có kinh nghiệm quản lý nhiều dự án…” mà hãy là: “Trong năm 2023, tôi đã quản lý thành công 10 dự án với tổng ngân sách là 500 tỉ đồng và đội dự án khoảng 20 người…”.
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá những gì?
Kiến thức chuyên môn và kiến thức tổng quát
Kiến thức chuyên môn thể hiện qua bằng cấp là hồ sơ được xem xét đầu tiên. Tôi luôn xem bảng điểm của ứng viên, đặc biệt là các môn chuyên ngành. Tôi sẽ loại ứng viên nếu điểm số các môn chuyên ngành không cao, vì chứng tỏ ứng viên không có trách nhiệm với nghề nghiệp mình chọn.
Ngoài ra, năng lực ngoại ngữ là yếu tố quan trọng. Tôi hay nói vui với sinh viên, bạn có thể học dở một vài môn, nhưng phải giỏi ngoại ngữ.
Thời đại này, không sử dụng tốt ngoại ngữ, bạn tự giới hạn cơ hội học hỏi và khả năng làm việc của mình. Có thống kê cho thấy người giỏi ngoại ngữ có thể có thu nhập cao hơn 30% người kém ngoại ngữ.
Tại một số công ty, do yêu cầu công việc, họ còn đánh giá sự hiểu biết của ứng viên về các vấn đề xã hội.
Kỹ năng cần có để làm tốt công việc dự tuyển
Các kỹ năng cần thiết cho công việc không chỉ thể hiện bởi các tờ giấy chứng nhận đã tốt nghiệp khóa này, khóa kia. Vấn đề là bạn có sử dụng thuần thục các kỹ năng đó không.
Cho nên, bên cạnh chứng nhận bạn đã học xong một khóa đào tạo kỹ năng nói trước công chúng, tôi mong nhìn thấy những bằng chứng là bạn đã làm MC, điều phối viên… trong các sự kiện của lớp, trường, CLB…
Đồng thời, bạn cần xác định rõ các kỹ năng cần thiết cho công việc dự tuyển để học hỏi và trau dồi. Kỹ năng là tài sản, đi theo bạn suốt đời, vì vậy nên có ý thức luyện tập để mỗi ngày càng thành thục hơn.
Thái độ sống và phong cách làm việc
Thái độ sống và phong cách, tác phong làm việc là yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá một ứng viên. Khi gặp mặt, phỏng vấn trực tiếp thì rất dễ đánh giá về phong cách, tác phong. Nhưng thái độ sống thì làm sao thể hiện trên giấy – trong hồ sơ xin việc?
Khi nói mình là người tích cực, hòa đồng, ham học hỏi và sẵn lòng giúp đỡ người khác, bạn nên cung cấp bằng chứng. Đó là lý do tôi khuyến khích các bạn trẻ nên tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào Đoàn, Hội ngay từ khi còn đi học. Vì chính khi tham gia các hoạt động đó, bạn có cơ hội trau dồi kiến thức, trải nghiệm kỹ năng, học hỏi được nhiều điều hay.
Quan trọng nhất, môi trường hoạt động tập thể sẽ giúp bạn gọt bớt cái tôi, để hướng về người khác, để biết cống hiến, hy sinh vì tập thể, để tập tinh thần trách nhiệm, để học và thực hành kỹ năng tổ chức, lãnh đạo đội nhóm…
Tất cả đều cần thiết cho bất kỳ công việc nào sau này.
Và khi nói đến thái độ sống, tôi muốn nhấn mạnh đến chỉ số AQ – vượt khó. Không phải lúc nào công việc cũng dễ dàng hay có hoàn cảnh thuận lợi. Bạn luôn phải nỗ lực, chịu khó, kiên nhẫn… để vượt qua những trở ngại trong học tập và cuộc sống. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy chỉ số AQ – vượt khó của bạn.
Kinh nghiệm, trải nghiệm
Câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất khi nói chuyện với sinh viên là: Em vừa tốt nghiệp thì lấy đâu ra kinh nghiệm?
Đầu tiên, phải khẳng định, khi đối tượng dự tuyển là sinh viên vừa tốt nghiệp thì kinh nghiệm không phải là điều kiện bắt buộc. Trong cuộc đời làm lãnh đạo của mình, tôi đã tuyển dụng hàng trăm sinh viên vừa tốt nghiệp, thậm chí là ngay tại thời điểm đang thực tập.
Đa số sinh viên đều có đi làm thêm. Theo tôi, bạn nên chọn các công việc làm thêm có liên quan đến nghề nghiệp trong tương lai. Ví dụ, bạn học kế toán thì có thể chọn việc làm thu ngân tại quán cà phê; bạn học marketing có thể làm thêm bằng công việc viết content quảng cáo… Như vậy, việc làm thêm cũng góp phần giúp bạn hiểu hơn về công việc sau này. Và thay vì chỉ liệt kê các công việc làm thêm, hãy lấy xác nhận và đánh giá của lãnh đạo công ty hoặc bộ phận về tinh thần và kết quả làm việc của bạn.
Mối quan hệ cá nhân
Ngoài nhân thân, nhà tuyển dụng cũng quan tâm đến các mối quan hệ xã hội mà ứng viên đã tạo lập, người giới thiệu, người cần liên hệ để hiểu rõ hơn ứng viên đều là những thông tin quan trọng.
Là sinh viên, bạn có thể xây dựng các mối quan hệ với giảng viên, các chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn theo học, các anh chị khóa trước và các diễn đàn chuyên ngành…
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến mối quan hệ với các bạn đại học. Đây là mối quan hệ có giá trị nhất, bền vững nhất. Bạn đại học thực sự là những người bạn thân thiết, sẵn sàng giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau.
Ngoại hình và sức khỏe
Hãy chọn hình ảnh phù hợp với công việc dự tuyển để thể hiện trong hồ sơ xin việc. Nếu bạn có chơi thể thao, chạy bộ… thì hãy gửi kèm thành tích, bằng chứng cho các hoạt động này. Việc tích cực rèn luyện sức khỏe là một điểm cộng và các doanh nghiệp hiện nay, rất khuyến khích nhân viên chơi thể thao.
Cuối cùng, ảo nhưng thật – hình ảnh bạn trong thế giới ảo – trên các tài khoản Facebook, Instagram, TikTok… rất quan trọng và phải tương thích với con người thật mà bạn muốn thể hiện. Các công ty hiện nay, khi tuyển dụng những vị trí quan trọng, đều xem xét kỹ lưỡng thông tin trên mạng xã hội của ứng viên. Vậy khi nào là cần phải chuẩn bị hồ sơ xin việc?
Đa phần sinh viên sẽ làm việc này vào năm cuối đại học. Quá trễ. Vì có rất nhiều bằng chứng về năng lực, khả năng của bạn được thể hiện ở năm nhất, năm hai…
Vì vậy, tôi nghĩ, ngay khi bước chân vào trường đại học, hãy sẵn sàng cho quá trình chuẩn bị hồ sơ xin việc.
Theo Báo Tuổi trẻ