Một trong những công cụ giải quyết vấn đề (Problem solving) và đưa ra quyết định (Decision making) hiệu quả nhất thường được nhắc tới chính là mô hình Issue Tree (hay còn gọi là Logic Tree) của McKinsey.
Albert Einstein đã nói: “Nếu có 1 giờ để giải quyết 1 vấn đề, tôi sẽ dành 55 phút nghĩ về vấn đề đó và chỉ 5 phút để nghĩ ra giải pháp.”
Issue Tree chính là công cụ giúp chúng ta tư duy chậm, “bẻ nhỏ” và phân tích vấn đề một cách sâu sắc hơn, tránh vội vàng đi đến những chiến lược cảm tính.
Tại sao cần có Issue Tree?
Issue Tree – cây vấn đề , còn được gọi là cây logic, là bản phân tích đồ họa của một câu hỏi, chia câu hỏi đó thành các thành phần khác nhau theo chiều dọc và tiến triển thành chi tiết khi đọc sang bên phải.
Bẻ nhỏ (break down) vấn đề phức tạp thành những vấn đề nhỏ đơn giản hơn:
- Việc bẻ nhỏ vấn đề vừa giúp chúng ta có một cái nhìn toàn cảnh hơn (big picture), vừa không bỏ lỡ những vấn đề nhỏ, đơn giản có thể giải quyết ngay trước mắt. Issue Tree tạo nền móng cho những chiến lược vững chắc, thống nhất giữa các phòng ban trong doanh nghiệp hoặc giữa các thành viên trong nhóm.
- Tập trung vào giải quyết vấn đề lõi (root cause): Thay vì có 10 giải pháp, chúng ta hoàn toàn có thể chỉ tập trung vào 1 giải pháp nhưng hiệu quả của nó có thể giải quyết được cho 10 vấn đề sống còn. Đó là tác dụng của việc “mổ xẻ” vấn đề bằng Issue Tree.
- Thuyết phục người nghe về chiến lược của mình: Điều này đặc biệt quan trọng với các bạn sinh viên đi thi các cuộc thi Business case hoặc sinh viên tốt nghiệp khi đối mặt với Case Interview. Nếu có tư duy rành mạch từ lúc đặt vấn đề và tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của nó, bạn sẽ hoàn toàn tự tin vào chiến lược mình đề ra. Khi đó, không khó để bạn thuyết phục hay giải quyết những câu hỏi hóc búa từ ban giám khảo, nhà tuyển dụng.
Hai quy tắc vàng của Issue Tree
Nguyên tắc MECE
Là tên viết tắt của cụm từ: Mutually Exclusive Collectively Exhaustive, MECE gồm 2 nguyên tắc: Mutually Exclusive (ME) – Không trùng lặp và Collectively Exhaustive (CE) – Không bỏ sót
Issue Tree cần đảm bảo về nguyên tắc MECE để bao trùm được tất cả các nguyên nhân của vấn đề, nhưng tránh lặp lại chúng.
Ví dụ minh họa về case áp dụng nguyên tắc MECE trong Issue Tree:
Trong ví dụ trên, vấn đề đặt ra là ngày càng nhiều khách hàng unsubscribe dịch vụ di động của Telco. Hai trường hợp được đưa ra tuân theo nguyên tắc MECE: Họ chủ động muốn unsubscribe (yếu tố nội tại) và Họ bị tác động (yếu tố ngoại cảnh). Hai trường hợp trên tiếp tục được chẻ nhỏ thành những trường hợp hẹp hơn, và cứ thế, xuất hiện một luồng tư duy rõ ràng, không lỗ hổng nhưng cũng không overlap lẫn nhau.
Quy luật 80/20
Quy luật 80/20 đề cập đến sự ưu tiên, giúp chúng ta chỉ ra điều gì có ảnh hưởng lớn nhất, hơn hẳn những điều còn lại, theo tỷ lệ 80/20.
Ví dụ:
- 80% sản phẩm đầu ra được sản xuất bởi 20% của sản phẩm đầu vào
- 80% khó khăn để đạt được điều gì đó nằm trong 20% thử thách
- 80% lợi nhuận đến từ 20% dải sản phẩm
- 80% lượng vắng mặt tại văn phòng đến từ 20% nhân viên, 80% doanh số nhà hàng đến từ 20% các món trong menu, 20% số quần áo trong tủ được mặc vào 80% thời gian, 80% lượng sử dụng đến từ 20% người dùng
Nếu quy luật MECE cho chúng ta cái nhìn bao quát về vấn đề thì quy luật 80/20 giúp tìm ra root cause. 80% vấn đề sẽ đến từ 20% nguyên nhân, 80% kết quả đến từ 20% giải pháp. Vì thế, chỉ cần tìm ra 20% nguyên nhân cốt lõi là chúng ta có thể giải quyết được tối đa bài toán của doanh nghiệp. Đây cũng là một quy luật rất quan trọng giúp doanh nghiệp biết nên ưu tiên điều gì để tối ưu hóa nguồn lực.
Quy trình 5 bước tối ưu hóa mô hình Issue Tree
Issue Tree đi theo mô hình 7 bước giải quyết vấn đề hiệu quả của McKinsey.
- Xây dựng Issue Tree tuân thủ nguyên tắc MECE (Structuring)
- Sắp xếp thứ tự ưu tiên các vấn đề bằng quy luật 80/20 (Prioritizing)
- Phân tích vấn đề (Issue Analysis)
- Phân tích dữ liệu (Analysis)
- Kết luận nguyên nhân gốc rễ (Synthesis) và đề xuất hướng giải quyết (Recommendation)
Một trong những sai lầm khi làm Issue Tree nói riêng và trong tất cả việc ra quyết định, chiến lược của doanh nghiệp nói chung, đó là đưa ra các giả định (assumptions). Vì vậy, một trong những bước rất quan trọng trong việc xây dựng Issue Tree và tìm ra root cause hiệu quả đó là đưa dữ liệu chứng minh cho những vấn đề và nguyên nhân tìm được. Dữ liệu sẽ cho thấy đâu là nguyên nhân lớn và cấp bách nhất với vấn đề hiện tại.
Cuối cùng, không thể thiếu đó là kết luận và đưa ra đề xuất cho chiến lược, giải pháp.
Issue Tree là công cụ Problem Solving và Decision Making hiệu quả không chỉ trong kinh doanh mà còn trong nhiều mặt của cuộc sống. Nắm được và áp dụng thành thạo, thường xuyên, công cụ này cũng giúp chúng ta thay đổi tư duy, dẫn đến những quyết định hành động chính xác và xứng đáng hơn với nguồn lực bỏ ra. Tham khảo khoá học Case Mastery của Tomorrow Marketers để biết cách ứng dụng Issue Tree giải từng bài toán cụ thể của doanh nghiệp!
Theo Blog Tomorrow Marketers