Công việc nào cũng có những khó khăn riêng mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua, đặc biệt là với nghề sales.
Không phải lúc nào khách hàng cũng đúng
Trong nghề sales có 2 nguyên tắc cốt lõi:
- Nguyên tắc 1: Khách hàng luôn đúng.
- Nguyên tắc 2: Nếu khách hàng sai, hãy xem lại nguyên tắc số 1.
💪 Điều này có nghĩa là trong mọi hoàn cảnh, ý kiến mà khách hàng đưa ra luôn là số 1 và dân sales phải tiếp thu.
Trên thực tế, bạn vẫn có thể gặp phải những kiểu khách hàng “lý sự” và thích kiểm tra sự kiên nhẫn của bạn. Họ bắt đầu đối xử với bạn như một kẻ giúp việc, thậm chí đe dọa và phỉ báng bạn. Chắc hẳn câu chuyện về một khách hàng nổi giận và đòi hủy hợp đồng vì không được trả lời câu hỏi đăng trên Facebook của công ty vào 7 giờ tối thứ 7 không còn quá xa lạ với những người làm nghề sales.
Lúc nào cũng phải xuất hiện với bộ mặt vui vẻ
Xuất hiện với bộ mặt vui vẻ và mỉm cười hạnh phúc với khách hàng là yếu tố bắt buộc của dân sales. Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng thể vui vẻ, hạnh phúc. Sẽ có những lúc bạn phải “giả vờ” hạnh phúc để lấy lòng khách hàng.
Một nghiên cứu được tiến hành mới đây bởi Đại học quản lý Singapore cho thấy những người “giả vờ” hạnh phúc có thể dẫn đến lo lắng, mất ngủ và trầm cảm.
Không thể kiểm soát mọi thứ
Khách hàng luôn coi dân sales như những chuyên gia “biết tuốt” có thể giải đáp mọi thắc mắc của họ. Tuy nhiên, trên thực tế, dân sales không phải là những người trực tiếp tạo ra sản phẩm mà họ đang bán.
Họ được đào tạo để lắng nghe và thông cảm với khách hàng, đồng thời giúp họ tìm ra vấn đề và giải quyết chúng. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ có thể kiểm soát mọi thứ một cách tốt nhất.
Bị coi như người trông trẻ
Nếu bạn là dân sales trong lĩnh vực bán lẻ, bạn có thể sẽ khiếp sợ khi các gia đình đưa con cái đến trung tâm mua sắm vào dịp cuối tuần. Khi họ đi dọc các quầy hàng, cả gia đình sẽ bắt đầu tan rã. Những đứa trẻ chạy ra khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ, thậm chí biến mất.
Và trong những trường hợp như vậy, người bán hàng sẽ trở thành người trông trẻ bất đắc dĩ khi vừa phải trấn an lũ trẻ vừa tìm cha mẹ chúng. Thậm chí khi tìm thấy lũ trẻ, việc đầu tiên mà cha mẹ làm là tức giận, la hét và mắng… nhân viên bán hàng.
Những cuộc gọi “ghẻ lạnh” của khách hàng
Để bán được hàng, dân sales cần phải gọi điện giới thiệu về sản phẩm và mời chào họ mua hàng. Kỹ năng nói chuyện điện thoại cũng là một trong những yếu sống còn đối với nghề sales. Thế nhưng 98% các cuộc gọi của dân sales sẽ nhận lại sự “ghẻ lạnh” từ khách hàng.
Khách hàng có thể đưa ra vô vàn lý do để “dội gáo nước lạnh” vào bạn như “Chị bận lắm”, “Anh đang tiếp khách em ơi”, “Em gọi lại sau nhé”… Trong mọi trường hợp, dân sales đều phải vui vẻ chấp nhận sự “ghẻ lạnh” của khách hàng và tìm kiếm các cơ hội tiếp theo hoặc chờ đợi may mắn khi khách hàng liên lạc lại.
Bị bỏ rơi
Khi dân sales nghe khách hàng hứa hẹn rằng “Tôi sẽ suy nghĩ và liên lạc lại với bạn sau”, thì họ biết chắc rằng đó là chiến thuật trì hoãn của khách hàng. Trong những trường hợp này, đa phần là khách hàng không thích sản phẩm và sẽ chẳng có cuộc gọi nào liên lạc lại cả. Dân sales sẽ bị bỏ rơi và không nên tốn thời gian chờ đợi vô ích làm gì.
Làm sao để “bán mình” được giá nhất
Muốn làm một nhân viên bán hàng, bạn phải ghi nhớ một nguyên tắc “cốt tử”: đừng chăm chăm nhìn vào doanh số. Tiếp cận với khách hàng là điều quan trọng, nhưng bạn vẫn phải nhớ bán hàng thực chất là làm thế nào để bạn bán mình được giá nhất.
Nếu bạn muốn thành công trong lĩnh vực sales, đừng bao giờ nghĩ đến từ “bán hàng”. Bạn phải cho đi thứ có giá trị và nhận lại tiền hoặc thành công. Khách hàng chỉ chào đón những người mang đến sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị cho họ và rất ghét những người cố bán hàng cho họ. Hãy lắng nghe nhu cầu của khách hàng trước tiên.
Đối mặt với sự từ chối và thất bại
Có lẽ với dân sales, từ “không” là một từ hết sức ám ảnh mà họ thường xuyên phải nghe, kể cả trong gặp gỡ trực tiếp lẫn qua điện thoại. Cũng chính vì thế, dân sales thường phản ứng rất nhanh khi bị từ chối.
Trên thực tế, tất cả những người bán hàng đều phải tập làm quen với sự từ chối. Nếu bạn sợ phải nghe thấy từ “không”, bạn sẽ không có cơ hội tìm đến những khách hàng mới hoặc ít nhất là đặt bạn thân vào những thử thách mới. Do đó, nếu không thể chấp nhận sự từ chối, sales không phải là nghề dành cho bạn.