Tất cả mọi người khi đi làm, đi học đều có những ngày vui và những ngày tâm trạng không được tốt. Vậy làm thế nào để những cảm xúc cá nhân này không ảnh hưởng đến công việc?
Đôi khi bạn gặp những chuyện bực mình ở trường, ở công ty – nơi bạn học tập, làm việc – hoặc thậm chí có chuyện buồn bực trong cuộc sống mà khi chỉ mới bước vào lớp, vào văn phòng, bạn đã mang cho mình cảm xúc khó chịu.
Công bằng mà nói, bất cứ ai cũng sẽ phải đi qua những xáo trộn về cảm xúc, chính vì vậy, phong độ làm việc lúc cao lúc thấp là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi bạn để cho những cảm xúc đó ảnh hưởng quá nhiều đến công việc thì vừa bất lợi cho bản thân, vừa không công bằng với người khác.
Tại sao điều này gây bất lợi cho bạn? Vì những khó khăn trong cuộc sống luôn luôn xảy ra với tất cả mọi người. Hôm nay bạn để nó ảnh hưởng đến công việc thì ngày mai lại sẽ có chuyện gì đó khác tiếp túc xen vào tâm trí bạn khiến bạn mất tập trung. Về lâu dài, bạn cứ bị kéo theo cảm xúc đó và trượt dài trên đường ray tiêu cực, sự nghiệp của bạn sẽ trở thành một chuỗi ngày buồn bực, năng suất làm việc thấp, đồng nghiệp, bạn bè cũng không thích bạn vì lúc nào cũng thấy bạn trong trạng thái nhấm nhẳng khó chịu điều gì đó.
Vậy lý do gì khiến việc để cảm xúc xen vào công việc lại không công bằng với người khác? Mỗi cơ quan đoàn thể đều là một bộ máy mà sự vận hành cần được thực hiện bởi rất nhiều các bộ phận khác nhau, vì thế kỹ năng làm việc nhóm là vô cùng quan trọng. Công việc của bạn không được hoàn thành tốt thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của nhóm, của lớp, của công ty, của rất nhiều người khác.
Chính vì thế, kỹ năng xử lý cảm xúc và không để nó ảnh hưởng đến kết quả công việc là hết sức quan trọng, đặc biệt là khi thị trường lao động ngày càng trở nên cạnh tranh và chuyên nghiệp hơn.
Bạn có thể thử các cách dưới đây để tách cảm xúc và công việc một cách rõ ràng.
Tìm hỗ trợ xung quanh
Đây là cách rất phù hợp khi bạn gặp phải chuyện buồn trong cuộc sống riêng và bạn biết bạn cần thời gian để có thể bình tĩnh lại. Bạn có thể chia sẻ riêng những điều này với thầy cô giáo hoặc sếp của mình, về những khó khăn mà bạn đang phải trải qua và giải thích là nó tác động đến bạn như thế nào, cảm xúc của bạn đang ảnh hưởng đến công việc ra sao. Đương nhiên, thầy cô giáo và sếp không phải ai cũng là người tâm lý nhưng họ cũng là con người với cuộc sống riêng và họ cũng hiểu là có những biến cố gia đình hay những vấn đề sức khỏe tinh thần sẽ làm con người cảm thấy không thể tập trung để học tập hay làm việc được.
Những sự hỗ trợ từ giáo viên hay sếp sẽ rất có ích với bạn trong việc cho bạn một ít thời gian và không gian để xử lý cảm xúc của mình, bình tâm lại và từ đó dần dần lấy lại phong độ học tập, làm việc bình thường. Tuy nhiên, đây là điều mà bạn tuyệt đối không được lạm dụng vì nếu việc này thường xuyên xảy ra, thầy cô giáo hay sếp sẽ rất khó để có thể thông cảm cho bạn, dần dần họ sẽ không tin tưởng và không đánh giá cao bạn nữa. Vậy nên, khi dùng cách này, bạn nên đảm bảo cảm xúc của bạn đang thực sự ở mức độ cần được hỗ trợ và không thể có cách nào khác.
Đừng “trút giận” trên mạng xã hội
Khi sử dụng mạng xã hội, đồng ý là bạn không thể lúc nào cũng thể hiện trạng thái tốt nhất, vui tươi nhất, còn bức xúc thì phải im lặng, không được nêu ý kiến mà bạn có quyền thể hiện quan điểm khi bạn không đồng tình về một vấn đề gì đó. Tuy nhiên, việc này có giới hạn của nó. Nếu bạn làm dụng việc đăng tải những trạng thái “trút giận” trên mạng xã hội từ việc lớn cho đến việc nhỏ thì tự bạn đang mang lại bất lợi cho chính mình và làm cho mọi người xung quanh cảm thấy quan ngại bạn hơn.
Hãy nên nhớ, trên mạng xã hội không có khái niệm cài đặt chế độ chỉ có bạn bè mới có thể xem. Chỉ cần ai đó trong danh sách bạn bè của bạn chụp màn hình lại thì trạng thái của bạn có thể được gửi đến bất cứ ai từ bạn bè, người quen cho đến đồng nghiệp, sếp… Vì vậy, khi bạn đăng tải bất kỳ thứ gì lên mạng, hãy chuẩn bị tâm thế sẵn sàng rằng tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy và nó là một trạng thái, hình ảnh công khai.
Theo Báo Lao động