Bạn đã bao giờ định mua một món đồ nhưng không thể nhớ ra tên thương hiệu? Chỉ nhớ ‘mang máng’ là một từ gì đó nhưng cũng không thể gõ đúng tên để tìm kiếm? Hoặc bạn bè hỏi mua đồ ở đâu nhưng cũng không thể nhớ ra tên thương hiệu để giới thiệu?
Rõ ràng những nhu cầu phát sinh như vậy thường xuyên xảy ra, và nếu tên thương hiệu không nằm trong đầu người tiêu dùng, thì nghiễm nhiên brand đã bỏ lỡ cơ hội trong cuộc chiến giành đơn hàng.
Bên cạnh đó, mọi USP của doanh nghiệp đều có thể bị sao chép và bắt kịp trong một thị trường bản chất siêu cạnh tranh. Và về lâu dài, sự khác biệt độc nhất của thương hiệu sẽ nằm ở cái tên. Chẳng hạn, trước kia Tesla là thương hiệu duy nhất kinh doanh dòng xe điện, nhưng đến thời điểm hiện tại, có không ít sản phẩm xe điện đến từ đa dạng công ty trên toàn thế giới, có cả phân khúc giá rẻ và phân khúc siêu cao cấp. Tuy nhiên, cái tên Tesla vẫn là một thứ gì đó đẳng cấp theo quan niệm của khách hàng.
Vậy làm thế nào tạo nên brandname dễ nhớ và có thể đi đường dài cùng doanh nghiệp? Nên chọn brandname theo những nguyên tắc nào để gây ấn tượng ngay điểm chạm đầu với khách hàng? Cùng Salejob tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Đơn giản
Nếu tên thương hiệu quá phức tạp và khó đọc thì nó sẽ gây cản trở đến các hoạt động truyền thông. Đây là điều dễ hiểu vì não bộ con người sẽ dễ tiếp nhận và xử lý nếu “đầu vào” là các thông tin ngắn gọn, đơn giản, hơn là những nội dung quá dài dòng, đa nghĩa.
Đã có nhiều trường hợp các thương hiệu nổi tiếng phải đổi tên để phù hợp hơn với thị trường như Google (đổi từ BackRub), Instagram (đổi từ Burbn),…
Hay một ví dụ khác là là Nike, lúc đầu nhà sáng lập Phil Knight sử dụng cụm từ “Blue Ribbon Sports” để đặt cho thương hiệu giày thể thao. Đến năm 1971, hãng đổi có ý định đổi tên thành Dimension Six, một cái tên vẫn khá dài và phức tạp trong cách đọc, cách viết. Tuy nhiên, vào phút cuối cùng trước khi hoàn tất các thủ tục đăng ký, một nhân viên của hãng là Jeff Johnson đã đề xuất từ ‘Nike’, với cảm hứng từ nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp cổ. Và cái tên Nike đã trở nên phổ biến toàn thế giới, một phần cũng từ tính chất đơn giản của nó.
Tên ngắn gọn
Theo George Miller, nhà khoa học tại Trung tâm Harvard về Nghiên cứu Nhận thức đã chỉ ra rằng bộ nhớ hoạt động của con người chỉ có thể làm việc với 7 bit thông tin. Tương tự với đó, con người thường chỉ nhớ ra 7 tên thương hiệu khi được hỏi về một sản phẩm cụ thể nào đó, trừ những lĩnh vực mà họ đặc biệt quan tâm. Khi liệt kê tên thương hiệu trong bất cứ ngành hàng nào, người ta thường bắt đầu với những thương hiệu nổi tiếng hoặc dẫn đầu, sau đó mới là những thương hiệu ở dưới, giống như kiểu “xuống thang”. Càng đi xuống các bậc dưới của chiếc thang thương hiệu thì càng khó nhớ ra những cái tên.
Với bộ nhớ hữu hạn như vậy nhưng hàng ngày, một người lại nhận được hàng nghìn thông điệp marketing, quá nhiều lời chào hàng từ các thương hiệu, thật áp lực nếu người tiêu dùng phải cố gắng nhớ thêm một cái tên dài. Sở hữu tên ngắn đồng nghĩa với việc bạn yêu cầu khách hàng sử dụng ít bộ nhớ hơn, giúp bạn là một thương hiệu thân thiện với khách hàng.
Theo một nghiên cứu, 48% trong số 100 thương hiệu hàng đầu thế giới có cái tên với hai âm tiết. Và 31% các thương hiệu hàng đầu thế giới có cái tên với ba âm tiết, bạn có thể xem minh họa như bảng bên dưới, đã liệt kê những thương hiệu phổ biến trên thế giới.
2 – 4 âm tiết là một xu hướng phổ biến khi đặt tên thương hiệu. Bạn có thể cân nhắc theo xu hướng này. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng quan trọng hơn cả là cái tên nghe có hay không, có dễ đọc và dễ nhớ không. Cùng đi tiếp xuống các phần dưới để xem một cái tên hay, dễ đọc và dễ nhớ là như thế nào nhé!
Có ý nghĩa
Con người vốn nhớ hình ảnh tốt hơn là thuần về chữ cái, dữ liệu. Bởi vậy, một cái tên có ý nghĩa, khiến khách hàng ấn tượng và có yếu tố liên tưởng sẽ dễ đi vào tâm trí hơn.
Red Bull là thương hiệu kinh doanh sản phẩm nước tăng lực. Cái tên chuyển tải một ý nghĩa từ trước khi bạn nhìn thấy sản phẩm. “Red Bull” khiến bạn có cảm giác về một thứ gì đó tràn đầy năng lượng, hùng hổ và mạnh mẽ. Vì vậy cái tên này dễ nhớ, và nó giúp cho Red Bull đạt thành công lớn.
Cọp là loài vật mạnh mẽ, uyển chuyển và chỉ có tại châu Á. Do đó, nếu bạn là một thương hiệu châu Á thì sử dụng “Tiger” làm tên thương hiệu sẽ có hiệu quả. Đó là điều mà Tiger Beer đã làm. Bia Tiger có hương vị mạnh, điều này hoàn toàn phù hợp với cái tên gợi lên nhận thức và sức mạnh và sự dũng mãnh.
Hoặc như từ Hyundai – tên của tập đoàn công nghiệp đa ngành đến từ Hàn Quốc – mang ý nghĩa là “hiện đại” trong tiếng Hàn. Cụm từ này thể hiện cô đọng tinh thần của một thương hiệu chuyên tham gia vào những lĩnh vực tân tiến như không gian, chế tạo xe hơi, xây dựng,…
Tên thể hiện được ngành nghề và sản phẩm
Bạn có thể lựa chọn đưa các từ thể hiện tính chất ngành nghề để khiến khách hàng nghĩ đúng về sản phẩm, dịch vụ, lĩnh vực của thương hiệu, nhắc đến tên là biết thương hiệu bán gì.
Ví dụ, các thương hiệu bất động sản thường gắn với “land” như Capitaland, Nova Land, MG Land,… Các thương hiệu nước hoa quả sẽ thêm vào yếu tố tươi mát và tự nhiên như VFresh, TH True Juice, Cocoxim,… Hay trong ngành giáo dục thì những cái tên như Edupia, Coursera, VinUni,… đưa các yếu tố về giáo dục vào để khách hàng nghe là biết sản phẩm của thương hiệu.
Có sự khác biệt
Tên thương hiệu, cùng với logo, là hai yếu tố nhận diện thường xuyên được khách hàng sử dụng để phân biệt thương hiệu của bạn với những doanh nghiệp khác trên thị trường. Chúng ta sử dụng tên thương hiệu ở hầu hết các điểm chạm với khách hàng, từ fanpage Facebook, tài khoản email, danh thiếp,…
Khách hàng sẽ chỉ đơn giản hỏi nhau “Tôi mua hàng ở thương hiệu A” hoặc “Bạn có biết hãng B không”, họ thường không dành thời gian mô tả chi tiết sản phẩm, dịch vụ. Nói cách khác, tên thương hiệu cần thể hiện sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là đối thủ trực diện. Dĩ nhiên bạn không nên đặt tên giống hoặc ‘na ná’ tên của đối thủ, không nên sử dụng những thành tố mà đối thủ đã sử dụng.
Ví dụ, Pin tiểu Duracell được định vị với thuộc tính “bền”, vì vậy bản thân một phần cái tên – Dura (lấy từ durable – bền) được dùng đặt tên thương hiệu để chuyển tải ý tưởng này và tạo sự khác biệt với đối thủ Energizer.
Một trong những lý do giúp Yahoo! phát triển thành một công ty hàng đầu trên internet là cái tên của nó. Thời điểm đó, phần lớn các công cụ tìm kiếm trên mạng đều có những cái tên mà người ta có thể đoán được ý nghĩa: Infoseek, Alta Vista, Excite, GoTo.com… Yahoo! đi riêng với cái tên rất khác biệt, và điều đó giúp họ nổi bật. Kết quả là cái tên này ngày càng trở nên dễ nhớ hơn. Trên thực tế, Jerry Yang và những người đồng sáng lập của Yahoo! đã khởi xướng một xu thế cho những cái tên nghe lập dị nhưng đem lại hiệu ứng lớn.
Tên trung tính trong nhiều thứ tiếng
Có nhiều trường hợp, Brand name nghe rất hay ở khu vực này, nhưng sang khu vực khác lại bị hiểu lầm và gây ra tình huống đáng xấu hổ như 2 ví dụ dưới đây.
Ford có một loại xe thể thao nhỏ tên là Pinto. Ford từng cho in quảng cáo với khẩu hiệu “Những chọn lựa nho nhỏ cho chiếc Pinto”. Quảng cáo này nhằm nhấn mạnh đến việc có rất nhiều cách thức khác nhau để khách hàng tạo dấu ấn cá nhân trên chiếc Pinto. Thế nhưng trớ trêu thay, trong tiếng ‘lóng’ của dân Brazil thì đoạn quảng cáo lại bị hiểu theo một nghĩa khác, người ta gọi chiếc xe là “của quý tí hon”. Nếu bạn là người Brazil, bạn có chạy quanh thành phố trên chiếc xe hơi rêu rao kích thước đó của bạn cho cả thế giới biết?
Mitsubishi sản xuất ra loại xe SUV (xe thể thao đa năng, vượt địa hình) tên là Pajero. Xe Pajero còn được bán dưới hai cái tên khác là Shogun và Montero. Vì nếu giữ nguyên tên gốc Pajero thì sẽ bị hiểu thành “người thủ dâm” trong tiếng ‘lóng’ Tây Ban Nha.
Hay như hãng hàng không Air Speed Up của nhạc sĩ Hà Dũng. Air Speed Up khi dịch sang tiếng Việt, thương hiệu sẽ có tên là “Tăng Tốc”, khi bỏ dấu và sử dụng trên truyền thông thì sẽ khiến người đọc dễ nhầm thành “Tang Tóc”. Về sau, thương hiệu này đã phải đổi sang một tên khác là Indochina Airlines tức là hãng máy bay Đông Dương.
Cái tên đọc lên không gây liên tưởng
Hãy kiểm tra cách phát âm. Hãy nhờ những người bản xứ đọc cái tên lên, chứ đừng nói với họ là bạn muốn cái tên đó nên được đọc như thế nào. Sau đó bạn hỏi họ xem cách phát âm của họ có thể mang đến ý nghĩa nào tiêu cực trong ngôn ngữ của họ hay không.
Chẳng hạn, nếu một công ty tư vấn Trung Quốc đặt tên là Sum Ting Wong, lúc đọc lên sẽ chẳng khác nào Something Wrong trong tiếng Anh cả, và tên một công ty tư vấn nhưng nghe lại ‘sai sai’ sẽ là một vấn đề đáng quan ngại.
Hoặc một tình huống ‘dở khóc dở cười’ của Coca-Cola khi tung chiến dịch với thông điệp “Mở lon Việt Nam”. Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) đã có công văn gửi các địa phương đề nghị tháo dỡ các biển hiệu, băng rôn quảng cáo có chứa cụm từ “nhạy cảm”. Theo các nhà quản lý, sở dĩ “Mở lon Việt Nam” không đạt yêu cầu vì nó dễ gây ra sự hiểu lầm đối với sản phẩm và không thể hiện được sự trong sáng của tiếng Việt, nhất là đối với các biển quảng cáo ngoài trời, dễ bị những đối tượng xấu làm biến tướng.
Thiết kế tên thương hiệu nên được đầu tư chỉn chu và nghiên cứu tỉ mỉ từ nhà lãnh đạo và đội ngũ sáng tạo. Cái tên sẽ gắn bó với thương hiệu của bạn trong một thời gian dài và là thứ đại diện cho thương hiệu ở mọi điểm tiếp xúc với khách hàng.
Tuy nhiên, cái tên chỉ là một phần của thương hiệu. Một cái tên ‘Apple’ không thể nào làm nên thương hiệu Apple. Một từ ‘Amazon’ cũng không tạo ra hình ảnh của một công ty thương mại điện tử toàn cầu. Còn cả một chặng đường dài sau đó để thương hiệu tạo nên những tài sản riêng và ghi dấu ấn với khách hàng.