Một nhà lãnh đạo xuất sắc không chỉ giỏi về mặt chuyên môn, thuần thục các kỹ năng mềm mà còn cần phải rèn luyện những kỹ năng tinh thần.
Chúng ta vẫn thường nghe rằng một người lãnh đạo giỏi là người có tầm nhìn xa trông rộng, giỏi giao tiếp, đàm phán, biết cách lắng nghe, quản lý hiệu quả… Thế nhưng, bên cạnh những kỹ năng đó, các nhà lãnh đạo cần rèn luyện tinh thần như thế nào để đối diện với những tình huống khó khăn, bất ngờ?
Hãy cùng SaleJob tìm hiểu một số kỹ năng tinh thần không thể thiếu của một người lãnh đạo thành công
Học hoi từ trải nghiệm của người khác
Margaret Fuller từng nói rằng: “Hôm nay là độc giả, ngày mai là một nhà lãnh đạo”. Câu nói này có ý nghĩa rằng ngay từ bây giờ, nếu bạn chăm chỉ tích lũy kiến thức mỗi ngày, không chỉ từ sách báo, mà còn học hỏi từ những người xung quanh, bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo xuất chúng trong tương lai.
Có 3 điều quan trọng mà một nhà lãnh đạo cần ghi nhớ, đó là: học hỏi từ kinh nghiệm của bản thân, học hỏi từ kinh nghiệm của người khác, cuối cùng là kết hợp những kinh nghiệm mình có và quan sát được để đưa ra quyết định khôn ngoan nhất.
Nhiều người nghĩ rằng, chỉ dựa vào trải nghiệm của chính mình mới giúp chúng ta đưa ra quyết định đúng đắn nhất bởi đó là những điều ta đúc kết được từ kinh nghiệm cũng như sai lầm và thất bại trong quá khứ. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra như chúng ta dự đoán. Sẽ có lúc chúng ta rơi vào những tình huống bế tắc, và nếu như bạn từng chứng kiến cách người khác xử lý tình huống tương tự, bạn vẫn có thể áp dụng để giúp mình và tập thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Học hỏi từ trải nghiệm của người khác vừa tiết kiệm thời gian, công sức, vừa giúp bạn tránh được những sai lầm tương tự.
Tự nhìn nhận lại bản thân
Để trở thành một nhà lãnh đạo tài giỏi, đôi khi bạn cần phải gạt bỏ cái tôi và nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân. Điều này sẽ giúp bạn tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Trước tiên, bạn cần phải thành thật với chính mình, tự hỏi bản thân điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì, cách làm việc của mình có phù hợp với bối cảnh hiện tại không hay cách mình quản lý nhân viên, giao tiếp với đồng nghiệp và đối tác đã thực sự hiệu quả chưa. Khi bạn xác định được những vấn đề cần cải thiện, bạn sẽ tìm được cách để thay đổi sao cho phù hợp với từng yêu cầu công việc khác nhau để đạt được kết quả tốt nhất.
Tin vào trực giác của chính mình
Thông thường, chúng ta sẽ đi đến quyết định dựa trên kết quả nghiên cứu và thông tin đã được phân tích rõ ràng. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều nhà lãnh đạo tài ba đã chứng minh rằng tin vào trực giác đôi khi sẽ đem lại kết quả bất ngờ.
Vào năm 1914, Henry Ford – người sáng lập hãng ô tô Ford – đã đi ngược lại với triết lý kinh doanh thời bấy giờ, tăng gấp đôi tiền lương cho nhân viên ngay trong giai đoạn khó khăn. Kết quả, lợi nhuận của công ty tăng gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn, doanh số bán hàng bùng nổ khi nhân viên của công ty có thể tự mua sản phẩm họ làm ra. Điều đó cho thấy trong một số trường hợp, nếu biết cách kết hợp các số liệu, kinh nghiệm sẵn có cùng một chút mạo hiểm dựa vào trực giác cá nhân, bạn sẽ có cơ hội lật ngược tình thế khi chẳng ai ngờ tới.
Đặt mình vào vị trí của nhân viên
Nếu bạn là một người thường xuyên quan sát phong cách làm việc của cấp trên, chắc chắn rằng bạn sẽ nắm bắt được cách suy nghĩ của họ để dung hòa và làm việc hiệu quả. Điều đó đặc biệt có ích khi bạn trở thành người lãnh đạo, bởi bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu được cảm nhận của nhân viên để động viên, hướng dẫn cũng như khai thác tiềm năng của họ. Ngoài ra, một nhà lãnh đạo giỏi sẽ không tạo sức ép, gây áp lực cho nhân viên mà sẽ luôn tìm cách để đáp ứng nhu cầu của họ, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy tối đa năng lực của mình, đem lại hiệu quả cao trong công việc.
Là chính mình dù trong tình huống khó khăn
Không có ai là hoàn hảo, ngay cả những nhà lãnh đạo tài giỏi nhất cũng có những lúc mắc sai lầm. Do đó, thay vì cố gắng che giấu lỗi sai của mình, bạn hãy thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót của bản thân để cùng mọi người tìm ra cách sửa chữa kịp thời. Điều này cũng sẽ giúp bạn rút ngắn khoảng cách với nhân viên của mình, tạo bầu không khí thoải mái, thân thiện trong môi trường làm việc.
Theo ELLE