P&G là một cái tên không hề xa lạ trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Không khó để có thể nhận ra logo màu xanh của họ trên vô số các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày quen thuộc đối với nhiều người tiêu dùng Việt. Vậy P&G là doanh nghiệp như thế nào?
Chiến lược kinh doanh của P&G gồm những gì mà hiệu quả và giúp họ thành công đến vậy? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài phân tích dưới đây:
Giới thiệu tổng quan về P&G
Procter and Gamble, viết tắt là P&G, là một công ty đa quốc gia nổi tiếng có nguồn gốc tại Mỹ, với logo được ký hiệu bằng từ P&G màu xanh. Được thành lập vào năm 1837, P&G tình tới nay đã có lịch sử gần 200 năm hoạt động và trở thành công ty đứng đầu trong ngành hàng tiêu dùng với sức ảnh hưởng lên đến quy mô toàn cầu, sở hữu trụ sở tại hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới.
Không chỉ nổi tiếng trong thị trường về các thương hiệu hàng tiêu dùng quen thuộc như Comfort, Oral-B, Head and Shoulder,… P&G trong mắt các doanh nghiệp được biết đến là một công ty nổi tiếng về các sáng kiến kinh doanh, quản trị thương hiệu, truyền thông và quảng cáo.
P&G được sáng lập bởi hai doanh nhân William Procter và James Gamble trong một lần gặp gỡ tình cờ, và trở thành anh em rể của nhau không lâu sau đó. Trong những ngày đầu thành lập, P&G chủ yếu tập trung vào các sản phẩm xà phòng với hơn 30 mã sản phẩm. Cho đến năm 1911, công ty bắt đầu hướng đến sự đa dạng hóa danh mục sản phẩm, khởi đầu với sản phẩm dầu thực vật Crisco, tã trẻ em dưới tên thương hiệu Pamper, mua lại sản phẩm từ nhiều doanh nghiệp khác, mở rộng mức ảnh hưởng của P&G trong liên tục nhiều thập kỷ sau đó.
Cho đến năm 2005, P&G chính thức hoàn tất thương vụ mua lại Gillette, một thương hiệu nổi tiếng chuyên về các sản phẩm chăm sóc cá nhân, đặc biệt là các sản phẩm về dao cạo. Thương vụ này đã đem lại cho P&G quyền sở hữu đối với tất cả các thương hiệu của Gillette, gồm Oral-B, Braun và Duracell, trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất nước Mỹ, đánh bật đối thủ sừng sỏ Unilever xuống vị trí thứ 2 trên thị trường.
Trong nhiều năm sau đó, P&G đã tinh giản, loại bỏ dần các thương hiệu trùng lặp nhằm gia tăng chất lượng cho các thương hiệu mũi nhọn của họ. Công ty đã bán sản phẩm kem đánh răng Rembrandt của họ cho Johnson & Johnson, Right Guard, sản phẩm khử mùi Dry Idea cho Dial và nổi tiếng nhất là thương vụ Warner Chilcott đã mua lại hãng thuốc của P&G với giá 3,1 tỷ đô la. Cho đến năm 2014, P&G thông báo họ đã tính giảm hơn 100 thương hiệu sản phẩm nhằm tập trung vào 65 thương hiệu chính chiếm 95% lợi nhuận của công ty. Năm đó, doanh thu của P&G tăng trưởng đột biến, đạt con số kỷ lục 87 tỷ đô la, và bán đi hàng trăm thương hiệu cho các công ty khác trên khắp thế giới.
Phân tích mô hình SWOT của P&G
Điểm mạnh của P&G (Strengths)
- Là công ty thuộc Top đầu thế giới, với tổng tài sản ước tính lên tới 119,3 tỷ USD vào năm 2021.
- Sở hữu 65 thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng, với 50 trong số đó đứng đầu thế giới, mang mức độ ảnh hưởng, sự hiện diện mức toàn cầu.
- Ước tính P&G đang bán hàng cho 4,8 tỷ người trên khắp các châu lục.
Lực lượng nhân sự khổng lồ và đa dạng về sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, quốc gia, lên tới 101.000 nhân viên các cấp trên toàn cầu. - Sở hữu mối quan hệ đối tác tốt đối với các đại lý bán lẻ, nhà phân phối, đơn vị cung ứng của họ, giúp cho các chiến dịch Marketing thuận lợi hơn nhiều.
- Công nghệ, kỹ thuật sản xuất liên tục được P&G đầu tư nghiên cứu, phát triển, đổi mới, khiến cho việc sản xuất và cung ứng, cũng như chất lượng sản phẩm gia tăng, nâng cao lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn của công ty.
- Sản phẩm của P&G có tuổi thọ thương hiệu cao, không ngừng được cộng đồng người tiêu dùng tin tưởng sau rất nhiều năm.
- Mỗi thương hiệu thuộc P&G sở hữu rất nhiều sản phẩm được cấp quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế, giúp công ty có khả năng cạnh tranh rất lớn.
Điểm yếu của P&G (Weaknesses)
Đa số sản phẩm của P&G là hướng đến nữ giới, khiến thị phần nam giới của hãng bị mất nhiều vào tay các đối thủ cạnh tranh.
So với Unilever và các đối thủ cạnh tranh khác, truyền thông của P&G đang tỏ ra yếu kém trong những năm gần đây.
Việc sở hữu quá nhiều thương hiệu tạo khó khăn trong việc kiểm soát hàng hóa, khiến cho hàng giả trôi nổi trên thị trường ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.
Quy mô lớn khiến cho quy trình ra quyết định kém hiệu quả, ảnh hưởng đến tiến toàn bộ tổ chức của công ty.
Cơ hội (Opportunities)
Thu nhập bình quân của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt ở nhiều quốc gia đang phát triển, tạo điều kiện thuận lợi kích thích tiêu dùng cho P&G, giúp gia tăng thị phần và lợi nhuận.
Sản phẩm chăm sóc cá nhân dành cho nam giới tương đối ít trên thị trường, là cơ hội lý tưởng để P&G giành lấy thị phần.
Thách thức (Threats)
Thị trường hàng tiêu dùng ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu mới, tạo sức ép cạnh tranh lớn đối với mọi doanh nghiệp.
Pháp luật tại nhiều quốc gia thay đổi, ảnh hướng đến việc thâm nhập vào thị trường của các doanh nghiệp quốc tế.
Phân tích chi tiết chiến lược kinh doanh của P&G
Triết lý kinh doanh của P&G
Trong suốt 185 năm vận hành, thay đổi và phát triển, chiến lược kinh doanh của P&G vẫn luôn bám sát nguyên tắc mà họ đã đề ra: Touching lives, improving life- vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với chủ trương “đóng góp nhỏ nhưng ý nghĩa”, nhân viên của P&G đều hướng đến sự thỏa mãn của khách hàng trong mọi công việc lớn nhỏ hàng ngày. “Chúng tôi không chữa được ung thư, nhưng chúng tôi quan tâm tới gia đình và cuộc sống của khách hàng” là những điều mà nhân viên P&G được huấn luyện.
Live, Learn and Thrive là chương trình thiện nguyện nổi tiếng được P&G tiến hành trong năm 2008. Chương trình hướng đến trẻ em trong độ tuổi 1-13 tuổi gặp hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em về sức khỏe, được đến trường học tập, giáo dục. P&G đã hợp tác với quỹ Greater Cincinnati nhằm giải quyết các nhu cầu xã hội quan trọng trên toàn thế giới. Ngoài ra, còn có vô số quỹ và các chương trình từ thiện khác của P&G có thể kể đến như P&G Children’s Safe Drinking Water Program (chương trình nước uống an toàn cho trẻ em P&G), Pamper UNICEF,…
Mục tiêu chiến lược kinh doanh của P&G
Cho dù sở hữu quy mô toàn cầu, thị trường chủ yếu của P&G vẫn là thị trường Mỹ, đem lại phần lớn thu nhập cho công ty. Tuy nhiên, các thương hiệu, công ty con của P&G lại mang trách nhiệm lớn cho khả năng vươn tới thị trường toàn cầu của họ, thông qua việc đặt trụ sở tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại mỗi quốc gia, P&G đều sở hữu trụ sở và xây dựng nhà máy, thiết lập chuỗi cung ứng phù hợp với thị trường, tăng tốc độ xâm nhập, mở rộng thị phần tại quốc gia đó. Tại Việt Nam, P&G chính thức xâm nhập thị trường vào năm 1995, xây dựng 3 nhà máy lớn tại Tp Hồ Chí Minh, thu hút được lượng lớn người lao động.
Có thể dễ dàng nhận thấy, mục tiêu chính trong các chiến lược kinh doanh của P&G là thâm nhập và mở rộng thị trường trong thời gian ngắn, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về công ty. Đây là một chiến lược hiệu quả đặc biệt cao đối với các mặt hàng có hiệu suất thấp, là điều mà hầu hết các mặt hàng của P&G sở hữu. Để dễ dàng tiếp thị và buôn bán trong thị trường mỗi nước, P&G đã thiết lập các chính sách lợi nhuận với các nhà bán lẻ. Đổi lại, các nhà bán lẻ sẽ đóng vai trò trung gian quảng bá cho thương hiệu của P&G.
Lợi thế cạnh tranh của P&G
Một trong những điều làm nên thành công của P&G là lượng sản phẩm dày đặc trong mỗi thương hiệu. Trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm của P&G, họ phân chia rạch ròi sản phẩm theo từng chức năng cụ thể như: Rejoice ngăn rụng tóc, Head & Shoulder ngăn gàu,… và truyền tải chúng một cách trực tiếp đến với khán giả.
Sự khác biệt hóa các sản phẩm này đã đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, khiến họ dễ dàng nhận ra nhu cầu của họ khi mua sắm hàng hóa. Đồng thời thông qua chiến lược kinh doanh này của P&G, họ đã đánh bóng được giá trị trong mỗi sản phẩm đối với người tiêu dùng, qua đó giúp cho lợi nhuận của P&G dễ dàng được sử dụng vào công tác nghiên cứu, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm cạnh tranh trên thị trường.
Phạm vi chiến lược kinh doanh của P&G
Cho dù xu thế xã hội, thị trường thay đổi, P&G vẫn bám sát vào mục tiêu của họ từ buổi thành lập đến giờ: sự toàn cầu hóa thương hiệu. Trong nhiều năm xây dựng và phát triển, P&G đã nắm giữ được những vị trí quan trọng trong thị trường của nhiều quốc gia. Sản phẩm dao cạo an toàn Gillette của họ chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Châu u, Châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc và đang dần nắm lấy các thị trường khác thuộc Châu Á. Kế đến là các sản phẩm dầu gội, tã giấy trẻ em đang chiếm những vị trí top đầu thị trường hàng tiêu dùng.
Ngoài ra, P&G đang dần mở rộng mạng lưới phân phối thông qua các kênh bán lẻ, nâng cao khả năng tiếp cận người tiêu dùng. Chiến lược này của P&G đã được triển khai tập trung vào 4 ngành hàng thế mạnh của công ty: hàng tiêu dùng, nước hoa, xuất khẩu thương mại điện tử và hóa dược phẩm. Hoạt động xuất khẩu đặc biệt được P&G đẩy mạnh, tạo cơ hội cho thương hiệu thâm nhập, tiếp cận thị trường mới. Trong những năm gần đây, sự phát triển thần tốc của công nghệ mua hàng online đã tạo điều kiện cho sản phẩm của P&G dễ dàng hơn để đến được tay người tiêu dùng, giúp việc kinh doanh với các đối tác được mở rộng, thuận lợi hơn.
Hoạt động chiến lược kinh doanh của P&G
Tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của P&G được gây dựng nên trong suốt gần 200 vận hành là chìa khóa dẫn đến thành công của thương hiệu này. P&G đã tận dụng được thế mạnh của họ là khả năng nắm bắt, hiểu biết về người tiêu dùng nhằm thâm nhập thị trường, cải tiến sản phẩm, không ngừng đổi mới sản phẩm của thương hiệu. Với hàng ngàn mẫu sản phẩm tới từ 65 thương hiệu khác nhau, hướng đến mọi khía cạnh hàng tiêu dùng của người dân, tạo ra lợi thế về áp lực cạnh tranh vô cùng lớn của P&G trên thị trường.
Một mô hình quản lý hoạt động đơn giản và hiệu quả là những gì nội bộ P&G hướng đến. Họ luôn chủ trương tổ chức quy trình vận hành công việc một cách đơn giản hóa và tối ưu nhất có thể phương án đó. Điều này giúp cho không chỉ nhân viên của P&G mà cả đối tác của họ luôn cảm thấy thoải mái khi làm việc, trở thành đối tác của nhau. Không chỉ vậy, đối với P&G, nhân tố con người là điểm mấu chốt trong mọi chiến lược kinh doanh để có thể đạt được thành công. Do đó, họ đã liên tục “rót” vốn vào việc đào tạo, phát triển đội ngũ nhân viên, qua đó gia tăng năng suất, mức độ hiệu quả của công việc, nâng cao khả năng thành công trên thị trường.
Theo MISA